Dùng thuốc bổ Đông y thế nào cho đúng?

Khi dùng thuốc bổ Đông y phải tùy theo chứng trạng ở phế, tỳ, gan, thận mà chọn lựa các phương pháp tẩm bổ, các loại thuốc bổ và thức ăn khác nhau…

Người bệnh có thể hiểu rõ thêm về vấn đề này để hợp tác tốt với thầy thuốc trong phòng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe.

1.Chứng phế hư

1.1 Phế khí hư

Người phế khí hư có một số biểu hiện như: Ho yếu ớt, tiếng nói nhỏ, thở yếu, hay ra mồ hôi, dễ bị cảm mạo, mạch hư.

Phương pháp tẩm bổ: Bổ ích phế khí, thường dùng hoàng kỳ, nhân sâm, ngũ vị tử…

1.2 Phế âm hư

Người phế âm hư có những biểu hiện: Ho ít đờm, họng khô, đau hoặc ra máu, mồ hôi trộm, mạch tế.

Phương pháp tẩm bổ: Tư âm nhuận phế, thường dùng tây dương sâm, mạch môn đông, thiên môn đông, sa sâm, lê, mía, mộc nhĩ trắng, đậu tương, phổi lợn, sữa, thịt bồ câu trắng, tổ yến…

2. Chứng tỳ hư

2.1 Tỳ khí hư

Người tỳ khí hư có những biểu hiện: Đầy bụng, tay chân mệt mỏi rã rời, vô lực, đại tiện phân lổn nhổn, không tiêu hóa được thức ăn, hơi thở ngắn, lòi dom hoặc sa tử cung, mạch hư.

Phương pháp tẩm bổ:Bổ khí kiện tỳ, thường dùng hoàng kỳ, đảng sâm, bạch truật, cam thảo, hoài sơn, đại táo, hạt sen, lạc, vải, cà rốt, mật ong, long nhãn, dạ dầy lợn, dạ dầy bò, thịt bò…

2.2 Tỳ dương hư

Người tỳ dương hư thường có biểu hiện như lạnh bụng, thích nóng, sợ lạnh, tiêu chảy, mạch trầm, yếu.

Phương pháp tẩm bổ: Ôn bổ tỳ dương, thường dùng phá cốt chỉ, nhân sâm, thịt dê, thịt chó, thịt gà…

photo-1642517646367

Sử dụng thuốc bổ Đông y phải tùy theo từng thể bệnh.

3. Chứng gan hư

3.1 Gan âm hư

Người gan âm hư thường có những biểu hiện: Hoa mắt, chóng mặt, khô mắt, đau mạng sườn, lòng bàn tay, bàn chân nóng, mạch huyền tế.

Phương pháp tẩm bổ: Dưỡng gan thận, có thể dùng hà thủ ô, nữ trinh tử, hán liên tử, quy bản, quả dâu, vừng, mật ong, gan dê, gà đen..

3.2 Gan huyết hư

Người gan huyết hư thường có biểu hiện: Hoa mắt, chóng mặt, vàng da, tê bì chân tay, kinh nguyệt ít, mạch huyền tế.

Phương pháp tẩm bổ: Dưỡng huyết bổ gan, thường dùng đương quy, bạch thược, a giao, hà thủ ô, kê huyết đằng, đại táo, lạc, vải, nho, cà rốt, gan gà, gan lợn, gan bò, gan dê, trứng gà…

4.Chứng thận hư

4.1 Thận âm hư

Người thận âm hư thường có những biểu hiện: Đau lưng, gối mỏi, di tinh, hay quên, ù tai, tóc rụng, nguyệt kinh không đều, hồi hộp đánh trống ngực, ra mồ hôi trộm…

Phương pháp tẩm bổ: Tư âm bổ thận, thường dùng thục địa, nữ trinh tử, đông trùng hạ thảo, hoàng tinh, quy bản, đậu đen, quả dâu, mật ong, thịt rùa, thịt chim câu, gà đen, óc lợn, xương dê, sữa, tổ yến…

4.2 Thận dương hư

Người thận dương hư có những biểu hiện như: Phù thũng ở chi dưới, tiểu ít, lưng đau, mệt mỏi, hoạt tinh, liệt dương, sợ lạnh, khi vận động thì khó thở, thở ra nhiều, hít vào ít…

Phương pháp tẩm bổ: Ôn bổ thận dương, thường dùng các loại thuốc như nhung hươu, thận hải cẩu, hải mã, tắc kè, phá cốt chỉ, đỗ trọng, tỏa dương, ba kích, nhục thung dung, sa uyển tử, hồ đào nhục, thận dê, thận lợn, thịt dê, thịt chó, chim sẻ, lươn, tôm…

Qua cách phân loại các chứng hư của ngũ tạng, cho ta thấy việc tẩm bổ bằng thuốc hoặc ăn uống không thể tùy tiện. Vì vậy, trước khi quyết định dùng thuốc bắc để tẩm bổ, chúng ta nên đến gặp các lương y để được bắt mạch, xác định các chứng hư cụ thể sau đó mới dùng thuốc tẩm bổ để việc điều trị có hiệu quả.

Theo: SKĐS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *